Quảng Ninh ưu tiên chuỗi nghỉ dưỡng khép kín để tạo sự khác biệt

Quảng Ninh ưu tiên chuỗi nghỉ dưỡng khép kín để tạo sự khác biệt

Quảng Ninh ưu tiên phát triển chuỗi khu nghỉ dưỡng khép kín, hiện đại, đẳng cấp, tạo ra những sản phẩm du lịch khác biệt để thu hút các nhà đầu tư, đối tượng khách du lịch cao cấp.

Quảng Ninh ưu tiên chuỗi nghỉ dưỡng khép kín

Quảng Ninh là tỉnh nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, với diện tích tự nhiên là 6.102km2, dân số 1,32 triệu người cùng chiều dài bờ biển khoảng 250km. Tỉnh Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính, trong đó có 4 thành phố (Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Uông Bí), 2 thị xã (Đông Triều, Quảng Yên) và 7 huyện; là một trong những địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước, đạt tỷ lệ trên 65%.

Tỉnh Quảng Ninh là một cực tăng trưởng quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, là khu vực động lực trong vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ.

Trên cơ sở các đồ án quy hoạch, các chương trình, kế hoạch phát triển đô thị, phát triển nhà ở, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung đô thị, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung triển khai các quy hoạch chiến lược.

3 khâu đột phá trong chiến lược của Quảng Ninh là: Hạ tầng - Công nghệ - Nhân lực. Đồng thời triển khai thực hiện các dự án trọng điểm hạ tầng giao thông (Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái...), các dự án hạ tầng dịch vụ du lịch, thương mại, các dự án hạ tầng văn hóa, thể thao, các dự án hạ tầng công nghiệp và các dự án khu đô thị cao cấp, khu du lịch dịch vụ, nghỉ dưỡng… 

Từ đó đã đã tạo diện mạo mới của các đô thị, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu và tại Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh vẫn đang thực hiện rất tốt mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội”; đồng thời là một điểm sáng trong thu hút đầu tư, đặc biệt các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2020 đạt khá, tăng 6,5%. Tổng thu ngân sách Nhà nước đảm bảo theo tiến độ dự toán, tăng 5,8% so với cùng kỳ. Theo số liệu thống kê 9 tháng đầu năm, lượng khách du lịch đến tỉnh Quảng Ninh ước đạt khoảng 6 triệu lượt, doanh thu du lịch ước đạt trên 12,05 nghìn tỷ đồng. 

Có được kết quả trên, ngoài tiềm năng thế mạnh được thiên nhiên ưu đãi, là sự chủ động, tích cực, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và các giải pháp thu hút, kêu gọi đầu tư của tỉnh. Cải cách hành hành chính và môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, 3 năm liên tục (2017 - 2019), tỉnh Quảng Ninh đều đứng đầu cả nước về Chỉ số PCI cấp tỉnh và Chỉ số PAR Index.

Theo đó, tận dụng tiềm năng, thế mạnh về hạ tầng giao thông, du lịch biển, đặc biệt là di sản vịnh Hạ Long, Quảng Ninh sẽ như một sáng trên bản đồ bất động sản du lịch nghỉ dưỡng khu vực trong tương lai. Điểm nhấn hướng đến là phát triển các dự án khách sạn tập trung tại các địa điểm thu hút khách du lịch như Bãi Cháy (Hạ Long), Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái… 

Quảng Ninh ưu tiên phát triển chuỗi khu nghỉ dưỡng khép kín, hiện đại, đẳng cấp, tạo ra những sản phẩm du lịch khác biệt để thu hút các nhà đầu tư, đối tượng khách du lịch cao cấp. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Quảng Ninh cũng chú trọng phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng gắn kết với điều kiện tự nhiên, danh lam, thắng cảnh, di tích tại khu vực du lịch vùng núi như Ngọa Vân - Yên Tử (Đông Triều - Uông Bí), Kỳ Thượng - Đồng Lâm (Hạ Long), Bình Liêu…

Giải pháp phát triển du lịch Quảng Ninh

Quảng Ninh sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để đạt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Ba giải pháp được Quảng Ninh đề ra trong thời gian tới bao gồm:

Thứ nhất, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đặc biệt quan tâm đến công tác hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp: 

Tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); cấp sở, ngành, địa phương tiếp tục được cải thiện; tập trung triển khai Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP ngày 06/2/2017 của Chính phủ; xây dựng, tổ chức triển khai Kế hoạch khảo sát chỉ số đánh giá nâng cao năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) bằng nhiều hình thức thiết thực như: Cafe doanh nhân, trang fanpage DDCI Quảng Ninh... 

Tiếp tục triển khai hiệu quả việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ. Lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, địa phương chủ động, thường xuyên gặp gỡ tiếp xúc, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nhận thức và hành động của đội ngũ công chức, viên chức trong thực thi công vụ, dịch vụ công chuyển biến căn bản, đặc biệt chú trọng về kiến thức, kỹ năng và thái độ làm việc.

Thứ hai, thực hiện 3 đột phá chiến lược: 

Một là phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ. Nhiều dự án, công trình đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng, động lực, nhất là các công trình, dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng khu kinh tế, KCN đã và đang được tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư: Dự án đường cao tốc nối Hạ Long với Hải Phòng (khánh thành ngày 01/9/2018, rút ngắn khoảng cách từ Hạ Long đi Hà Nội còn 115km, thời gian di chuyển 1,5 giờ); đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái; cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; khu kinh tế ven biển Quảng Yên; hạ tầng KCN Cảng Nam Tiền Phong, KCN Texhong Hải Hà, KCN Đầm Nhà Mạc; Cung quy hoạch, Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh…

Hai là công tác cải cách hành chính. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được các cấp, các ngành triển khai quyết liệt; cơ bản các thủ tục hành chính đủ điều kiện thực hiện đảm bảo 4 nguyên tắc (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả) tại Trung tâm hành chính công các cấp. 

Tỷ lệ dịch vụ công mức độ 3,4 là 1.151/1.727 tổng số dịch vụ công, chiếm tỷ lệ 66,7%. Trong lĩnh vực xây dựng, Quảng Ninh hực hiện giải quyết 20 thủ tục hành chính cấp tỉnh; 11 thủ tục hành chính cấp huyện tại Trung tâm hành chính công các cấp; các thủ tục hành chính đều được đơn giản hóa, giảm thời gian so với quy định chung từ 22 - 66%. Tổng thời gian giải quyết thủ tục cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan còn 39 ngày (Cấp GPXD: 8 ngày; Thẩm định TKCS: 10 ngày; Thiết kế sau thiết kế cơ sở: 13 ngày; Nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng: 8 ngày). Việc tổ chức lựa chọn chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư, đấu giá đất, tính giá thu tiền sử dụng đất…thực hiện công khai, minh bạch. 

Ba là đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, triển khai Đề án thu hút lao động và phát triển nguồn nhân lực phục vụ các KCN, KKT và các dự án lớn trên địa bàn. Quảng Ninh tập trung triển khai có hiệu quả Quy hoạch phát triển nhân lực, Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo, Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020”; gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác chuyên môn như công nghệ, y tế, giáo dục, môi trường, nông nghiệp; bồi dưỡng ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác du lịch; học tập về kinh nghiệm xây dựng và phát triển đặc khu kinh tế.

Thứ ba, đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước với nội dung bao gồm: Đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, đảm bảo tính thống nhất, thông suốt của hệ thống chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; xây dựng chính quyền phục vụ; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật; khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. 

Chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính, lề lối, tác phong, phong cách làm việc đối với cán bộ, công chức và đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao. Thực hiện nghiêm quy định về tinh giản biên chế; đổi mới mạnh mẽ quy trình, phương thức tổ chức tuyển dụng, sử dụng, trả lương, đánh giá, đề bạt cán bộ; thực hiện bổ nhiệm, đề bạt cán bộ chủ yếu dựa trên thành tích, kết quả công việc.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh đẩy mạnh tăng cường phân cấp, ủy quyền cho cơ sở, đơn vị để quyết định và chịu trách nhiệm theo thẩm quyền gắn với công tác kiểm tra, giám sát. Nâng cao chất lượng tham mưu đề xuất, công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, phân tích, dự báo nhằm phục vụ cho việc hoạch định các mục tiêu và chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh 

Theo Reatimes.vn

https://reatimes.vn/quang-ninh-uu-tien-chuoi-nghi-duong-khep-kin-de-tao-su-khac-biet-1603626950013.html

Thong ke