Dự báo thị trường bất động sản toàn cầu tháng 3/2022: Bất động sản thương mại tiếp đà phục hồi

Dự báo thị trường bất động sản toàn cầu tháng 3/2022: Bất động sản thương mại tiếp đà phục hồi

Vừa qua, công ty tư vấn và dịch vụ bất động sản JLL đã công bố báo cáo về viễn cảnh thị trường bất động sản toàn cầu tháng 3/2022.

Theo đó, các chuyên gia của JLL đã đưa ra dự đoán dựa trên dữ liệu thu thập được từ năm 2021. Ngoài ra, JLL cũng theo dõi sát sao tình hình căng thẳng trong các sự kiện địa chính trị ở châu Âu. Các chuyên gia JLL nhận định còn quá sớm để đưa ra tiềm năng thực sự của thị trường.

Thị trường tiếp đà phục hồi khi các lệnh giãn cách xã hội dần được gỡ bỏ

Mặc dù dịch bệnh Covid-19 vẫn tác động tới đời sống con người, nhưng nhiều nơi trên thế giới hiện đang chuyển sang “sống chung với virus” thay vì thực hiện cách ly nghiêm ngặt. 

Điều này cũng tác động đến thị trường bất động sản khi nhu cầu tăng lên trong những phân khúc bị ảnh hưởng nhiều bởi các hạn chế như văn phòng, bán lẻ và khách sạn. Tuy nhiên, sự không chắc chắn vẫn là một chủ đề chính trong tương lai gần khi sự lo lắng vẫn tồn tại còn xung quanh các biến thể mới, các vấn đề địa chính trị mới nổi và tỷ lệ lạm phát gia tăng.

Với thị trường văn phòng cho thuê, lần đầu tiên các chuyên gia chứng kiến mức tăng trưởng dương trong quý IV/2021 kể từ khi đại dịch bùng phát và gây ảnh hưởng tới các doanh nghiệp. Dù vậy, các công ty hiện nay đã hướng sự quan tâm vào các không gian chất lượng cao.

Trong khi đó, nhu cầu về không gian hậu cần tiếp tục không giảm với tốc độ tăng trưởng giá thuê đang tăng mạnh. Sự phục hồi trong lĩnh vực bán lẻ và khách sạn cũng là một điểm tích cực. Nhìn chung, các chỉ số tương lai cho thấy sự cải thiện liên tục trong hoạt động cho thuê với nhu cầu ngày càng tăng trên hầu hết lĩnh vực.

Khối lượng giao dịch toàn cầu đạt mức cao nhất mọi thời đại

Nhờ đà phục hồi chung của lĩnh vực bất động sản, thị trường vốn toàn cầu đã phục hồi một cách mạnh mẽ trong năm 2021. Do đó, hoạt động đầu tư trong năm 2021 đã tăng 54% so với năm 2020, đạt mức kỷ lục 1,3 nghìn tỷ USD. Trong đó, những thị trường lớn tiếp tục là những người đóng góp chính vào đà tăng trưởng.

Sự quan tâm của nhà đầu tư tăng lên kết hợp cùng các yếu tố cơ bản mạnh mẽ đã đưa khối lượng giao dịch hàng năm lên mức cao kỷ lục ở châu Mỹ và châu Á Thái Bình Dương. Thị trường châu Âu cũng hoạt động tương đối tốt với khối lượng tăng 25% so với năm 2020. 

Nhóm người mua cũng rất đa dạng, đặc biệt là khi các nhà đầu tư đã có thể đi lại giữa các khu vực. Điều này đã tạo ra sự cạnh tranh đối với các sản phẩm trên thị trường, dẫn đến hiệu suất định giá tăng và cải thiện tính thanh khoản trên nhiều phân khúc.

Trong tháng 3, sự cạnh tranh trên các lĩnh vực có hiệu suất cho thuê cao và khả năng phục hồi hoạt động tốt vẫn tồn tại. Bên cạnh đó, các lĩnh vực có dòng tiền hoạt động không ổn định trong mùa dịch cũng dần tìm thấy hướng đi mới. 

Mặc dù tâm lý chung đối với toàn thị trường vẫn khá lạc quan, nhưng nguy cơ xuất hiện các biến thể Covid-19 mới, tỷ lệ lạm phát tăng cùng áp lực tăng tỷ giá gây cũng gây ra rủi ro đối với đà phục hồi của thị trường.

 

Nguồn: cafeland

Thong ke