Hà Nội - Quảng Ninh: Khẳng định vai trò cực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm

Hà Nội - Quảng Ninh: Khẳng định vai trò cực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm

Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng được xác định là hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Trong đó, Hà Nội và Quảng Ninh là hai địa phương có vị trí, vai trò trọng yếu về kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Bắc theo Quyết định số 198/QĐ-TTg về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 795/QĐ-TTg về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2020

Hợp tác toàn diện

Xác định vị trí, vai trò và mối quan hệ phát triển mật thiết không chỉ giữa 2 địa phương mà còn ở phạm vi cả vùng và cả nước, Hà Nội và Quảng Ninh đã sớm hợp tác chặt chẽ trên các lĩnh vực, góp phần cùng giải quyết các vấn đề chung và sự phát triển của vùng và cả nước. Ngày 3/11/2002, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã thống nhất ra Thông báo số 01-TB/HN-QN về hợp tác, phát triển toàn diện giữa 2 địa phương. Đây là nền tảng để 2 địa phương tăng cường mối quan hệ hợp tác, phát triển mạnh mẽ, khẳng định rõ vai trò là cực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Bắc.

Thời gian gần đây, 2 địa phương đã tăng cường các hoạt động phối hợp, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đặc biệt là việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả; Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Thành phố Hà Nội đã tổ chức đoàn các công tác đi nghiên cứu thực tế và trao đổi kinh nghiệm tại Tỉnh uỷ Quảng Ninh và các cơ quan đơn vị, địa phương thuộc tỉnh Quảng Ninh về công tác sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị. Các ban Đảng, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và cấp uỷ, chính quyền các quận, huyện của hai địa phương có các hoạt động giao lưu chia sẻ kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng và tổ chức bộ máy.

Cùng với đó là những hợp tác về phát triển trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội mang tính lâu dài, bền vững,  như: Du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp,... Đáng chú ý, việc thông tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn là một mắt xích quan trọng trong việc hoàn thiện hạ tầng giao thông nhằm tạo sự liên kết vùng mạnh mẽ ở khu vực Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Tuyến cao tốc này đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn chỉnh tuyến kết nối vùng tam giác kinh tế động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), đồng thời hoàn thiện tuyến cao tốc theo trục ven biển vùng duyên hải Bắc Bộ.

Không dừng lại ở đó, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn (sau năm 2020 sẽ kết nối đến Móng Cái) đi vào hoạt động, kết nối tiếp với trục cao tốc Lào Cai -  Hà Nội thành liên tuyến đường cao tốc dài nhất Việt Nam, đây sẽ là vành đai giao thương quan trọng với Trung Quốc và thế giới. Bên cạnh đó, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đi vào hoạt động đã trở thành đòn bẩy kích thích sự tăng trưởng kinh tế bền vững cho tam giác kinh tế phía Bắc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh cũng như cả nước.

Cùng với đó, việc kết nối cụm cảng hàng không quốc tế Nội Bài - Cát Bi - Vân Đồn gắn kết cụm cảng nước sâu hàng đầu cả nước, tạo ra cơ hội để đáp ứng nhu cầu tối ưu hóa vận tải bằng đường bộ, đường biển, hàng không của khu vực và vận tải quốc tế; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng, giảm thời gian, chi phí vận tải và logistics.

Để phát triển nhanh, bền vững

Thời gian qua, TP Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh đã cùng phối hợp, chia sẻ, cập nhật thông tin trong quá trình lập, triển khai thực hiện các quy hoạch của vùng, tiểu vùng, như: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2020; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020. Đồng thời, triển khai các chương trình mục tiêu thực hiện kết nối và phát triển tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh trên cơ sở định hướng của Trung ương đảm bảo được mối liên kết trong ngành, lĩnh vực với toàn vùng và các tỉnh, thành phố liên quan.

Hội nghị hợp tác phát triển Quảng Ninh - Hà Nội do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh và Thành ủy Hà Nội tổ chức tại TP Hạ Long, tháng 8/2019

Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp phát triển tam giác kinh tế, vùng xác định trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, 2 tỉnh, thành phố đã tham khảo và chia sẻ thông tin trong xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm.

Với sự liên kết, phối hợp chặt chẽ, chính là nền tảng để 2 địa phương đã và đang có những bước phát triển rất nhanh chóng, nằm trong tốp các tỉnh, thành phố có tốc độ phát triển kinh tế, số thu ngân sách cao trong cả nước.

Tại Hội nghị hợp tác phát triển Quảng Ninh - Hà Nội do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh và Thành ủy Hà Nội tổ chức tại TP Hạ Long, tháng 8/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh và Thành ủy Hà Nội đã đánh giá những kết quả đã đạt được thời gian qua, đồng thời nhận định, với tiềm năng, thế mạnh của hai địa phương, Hà Nội và Quảng Ninh cần nâng tầm quan hệ hợp tác toàn diện hơn và hiệu quả hơn nữa về một số lĩnh vực.

Trên cơ sở đó, thời gian tới, hai bên đã thống nhất sẽ tiếp tục hợp tác, liên kết, thực hiện các chỉ đạo của Trung ương về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng Sông Hồng; Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ... Góp phần xây dựng Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ trở thành một trong các vùng dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, nòng cốt tiên phong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Cùng với đó là các nhiệm vụ để bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Đồng thời, tập trung thực hiện các nội dung hợp tác với nguyên tắc hai bên cùng phát triển, tạo động lực cho phát triển vùng, nâng cao năng lực liên kết cạnh tranh quốc tế trên các lĩnh vực chủ yếu, như: Xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và liên kết phát triển; phát triển dịch vụ, du lịch, nông nghiệp; tăng cường đầu tư cho y tế, giáo dục,...

Theo Hồng Nhung

Báo Quảng Ninh

Thong ke