Dự án KĐT Mỹ Hưng-Cienco 5: Doanh nghiệp sốc vì đất được giao 12 năm bỗng về tay người khác

Dự án KĐT Mỹ Hưng-Cienco 5: Doanh nghiệp sốc vì đất được giao 12 năm bỗng về tay người khác

Dù được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao 182ha đất để thực hiện dự án Khu đô thị Mỹ Hưng vào năm 2008, song đến nay, Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 lại ngỡ ngàng khi UBND TP. Hà Nội điều chỉnh tên người sử dụng đất tại dự án mà doanh nghiệp không hề hay biết.

Dự án KĐT Mỹ Hưng-Cienco 5: Doanh nghiệp sốc vì đất được giao 12 năm bỗng về tay người khác

Hà Nội bất ngờ thay tên, đổi chủ dự án khu đô thị Mỹ Hưng nghìn tỷ

Thay tên, đổi chủ dự án khu đô thị nghìn tỷ

Ngày 23/11/2020, Văn phòng UBND TP. Hà Nội phát đi thông báo số 554/TB-VP về kết luận của Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho phép điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Mỹ Hưng - Cienco 5 tại Cự Khê, Mỹ Hưng, Tam Hưng, huyện Thanh Oai.

Chỉ sau 2 ngày có thông báo kết luận trên, ngày 25/11/2020 ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ký Quyết định số 5269/QĐ-UBND.

Tại điều 1, quyết định này ghi rõ: “Điều chỉnh tên người sử dụng đất ghi tại Quyết định 3128/QĐ-UBND ngày 30/07/2008 của UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) về việc thu hồi 1.820.433 m2 đất trên địa bàn các xã Cự Khê, Mỹ Hưng, Tam Hưng, Bình Minh, huyện Thanh Oai, chuyển mục đích sử dụng thành đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới Mỹ Hưng - Cienco 5 như sau: từ Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 thành Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - CTCP”.

Lý do điều chỉnh tên người sử dụng đất như nói ở trên mà UBND TP. Hà Nội nêu tại quyết định là: Căn cứ theo Quyết định số 963/QĐ-UBND ngày 17/4/2008 của UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) về việc cho phép đầu tư dự án khu đô thị Mỹ Hưng – Cienco 5 tại huyện Thanh Oai.

Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ đổi tên Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 thành Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5-CTCP. Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5-CTCP có trách nhiệm kế thừa toàn bộ trách nhiệm, nghĩa vụ của Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng dự án khu đô thị Mỹ Hưng – Cienco 5 theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.

Cùng với đó, lý do điều chỉnh còn dựa trên đề nghị của Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) tại các văn bản số 948/ANĐT-P5 ngày 6/8/2018, 147/ANĐT-P4 ngày 21/1/2020; đề nghị của Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5-CTCP tại văn bản số 05/TCT5-C5HN ngày 24/3/2020; Văn bản số 395 ngày 4/3/2020 của Tổng cục quản lý đất đai.

Những căn cứ có thiếu tính xác thực?

Để tìm hiểu tính xác thực của các căn cứ nói trên cần phải nắm được tiến trình triển khai thực hiện dự án sau 12 năm.

Trước hết nói về Quyết định 963/QĐ-UBND ngày 17/4/2008 của UBND tỉnh Hà Tây (trước đây). Đây là quyết định chủ trương đầu tư, song điều cần lưu ý là tại thời điểm UBND tỉnh Hà Tây ra quyết định, khi đó do Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 chưa được cổ phần hoá.

Chính vì vậy, để thực hiện chủ trương đầu tư theo hình thức BT, Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) đã thành lập công ty con là Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5. Đến năm 2014, Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 mới được Thủ tướng Chính phủ quyết định đổi tên thành Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5-CTCP (công ty cổ phần).

Cụ thể, Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6/1/2014 của Thủ tướng chính phủ đổi tên Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 thành Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5-CTCP. Trong đó nêu rõ: “Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 - CTCP kế thừa các quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 trước khi chuyển đổi; được tiếp tục kinh doanh các ngành, nghề hiện Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 đang thực hiện và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật”.

Thế nhưng, trong Quyết định 5269 của UBND TP. Hà Nội lại thay cái đuôi câu cuối của trích dẫn trên: “Được tiếp tục kinh doanh các ngành, nghề hiện Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 đang thực hiện và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của pháp luật” thành “đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng dự án khu đô thị Mỹ Hưng - Cienco 5 theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt”.

Điều đáng chú ý, Quyết định 24 của Thủ tướng chính phủ không nói đến Khu đô thị Mỹ Hưng.

Còn căn cứ văn bản của cơ quan Công an nêu trong quyết định 5269 của UBND TP. Hà Nội, theo một luật sư, đây là những nội dung phát hiện cần phải được làm rõ. “Không thể lấy đó làm căn cứ ra quyết định của chính quyền để điều chỉnh tên của chủ dự án”, vị này nói.

Ai mới thực sự là chủ đầu tư khu đô thị Mỹ Hưng-Cienco 5?

Theo tìm hiểu, ban đầu, Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 là nhà đầu tư và Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 là doanh nghiệp dự án. Doanh nghiệp dự án này là công ty con của Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5. Tuy nhiên sau hơn 7 năm dự án không triển khai được.

Trước thực tế đó, Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 sau khi được cổ phần hoá đã tìm đối tác để triển khai theo quyết định của UBND tỉnh Hà Tây. Từ đó trên 90% cổ phần của doanh nghiệp dự án đã được bán cho Tập đoàn Mường Thanh.

Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 do Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 thành lập, nhưng đã gần 5 năm nay chủ nhân của nó là các cổ đông của Tập đoàn Mường Thanh.

Phối cảnh khu đô thị Mỹ Hưng-Cienco 5.

Theo báo cáo kết quả kiểm toán nhà nước ngày 14/10/2020, Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 hiện nắm giữ 97% cổ phần, và là chủ sở hữu quyền sử dụng đất toàn bộ dự án khu đô thị nói trên. Còn Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5-CTCP chỉ còn nắm 3% cổ phần ở đây.

Hơn nữa, Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 đã thanh toán 100% phần lợi nhuận khoán cho Tổng công ty cổ phần xây dựng công trình giao thông 5-CTCP và thực hiện đảm bảo các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp theo các hợp đồng được ký kết.

Cụ thể, Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 đã hoàn thành giải phóng mặt bằng thực hiện dự án với giá trị đền bù 2.377 tỷ đồng; hoàn thành đầu tư xây dựng 19,9km và đã đưa vào khai thác sử dụng 9,2km (từ Km0 đến Km9+300); thanh toán 510 tỷ đồng tiền chênh lệch vào ngân sách nhà nước, thực hiện ký quỹ 50 tỷ đồng….

 Như vậy, Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5-CTCP không còn quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc thực hiện các dự án Thanh Hà-Cienco5, Mỹ Hưng-Cienco5.

Hiện nay, chủ đầu tư dự án đường trục BT và các dự án hoàn vốn là Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5.

Theo khoản 9, Điều 3 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 nêu rõ “chủ đầu tư là cơ quan, tổ chức, cá nhân sở hữu vốn, vay vốn hoặc được giao trực tiếp quản lý, sử dụng vốn để thực hiện hoạt động đầu tư xây dựng”.

Theo VietnamFinance

https://vietnamfinance.vn/du-an-kdt-my-hung-cienco-5-doanh-nghiep-soc-vi-dat-duoc-giao-12-nam-bong-ve-tay-nguoi-khac-20180504224246677.htm

Thong ke